Đái tháo đường và biến chứng tim mạch
10:43 - 07/06/2018
Đái tháo đường là một nhóm các bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của Insulin hoặc kết hợp cả hai
1. Đại cương.
♦ Đái tháo đường là một nhóm các bệnh chuyển hóa đặc trưng bởi tăng glucose máu mạn tính do hậu quả của sự thiếu hụt hoặc giảm hoạt động của Insulin hoặc kết hợp cả hai. Tăng glucose máu mạn tính trong đái tháo đường làm tổn thương, rối loạn và suy yếu chức năng nhiều cơ quan khác nhau đặc biệt tổn thương tim mạch. Đây là một biến chứng phổ biến và là nguyên nhân gây tỷ lệ tử vong cao ở các bệnh nhân đái tháo đường. Chính vì vậy, việc hiểu biết về bệnh lý cũng như những biểu hiện lâm sàng của biến chứng tim mạch sẽ góp phần phòng ngừa, hạn chế sự tiến triển của bệnh tim mạch ở các bệnh nhân đái tháo đường là rất cần thiết.
Năm 2010 theo ước tính, trên thế giới có khoảng 285 triệu người trưởng thành tuổi từ 20-79 bị đái tháo đường, con số đó tiếp tục gia tăng 154% từ năm 2010 đến năm 2030 trong đó chủ yếu là do sự gia tăng mạnh mẽ ở các nước đang phát triển, đặc biệt là ở Ấn Độ và khu vực Đông Nam Á.
2. Do đâu mà mạch máu dễ bị tổn thương?
♦ Biến chứng tim mạch của bệnh nhân đái tháo đường (ĐTĐ) là do tình trạng xơ vữa động mạch đi kèm hậu quả của nó, trong đó có bệnh mạch vành và mạch máu não.
♦ Cơ chế quan trọng nhất là bệnh ĐTĐ sẽ gây nên tổn thương sớm ở tế bào nội mạc, làm rối loạn chức năng nội mạc mạch máu. Khi chức năng nội mạc bị rối loạn, nó sẽ làm cho các phân tử cholesterol dễ dàng chui qua lớp nội mạc vào trong, kết hợp với tăng khả năng kết dính và xuyên thành của tế bào bạch cầu vào trong lớp nội mạc. Từ đó sẽ hình thành mảng vữa xơ động mạch, hoặc mảng vữa xơ đã hình thành thì tiến triển rất nhanh dẫn đến hẹp dần lòng mạch, gây nên các biểu hiện lâm sàng của bệnh thiếu máu cục bộ mạn tính ở cơ quan tổ chức. Ngoài ra, khi lớp nội mạc mạch máu bị tổn thương, sẽ tạo cơ hội thuận lợi cho sự co mạch kết hợp với sự kết dính các tế bào tiểu cầu, hình thành nên cục huyết khối trong lòng mạch làm tắc mạch cấp tính, gây nên các biểu hiện lâm sàng của thiếu máu cục bộ cấp tính của tổ chức như cơn đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não… đe dọa nghiêm trọng tính mạng người bệnh. Tùy theo vị trí của mạch máu bị thương tổn mà có các biểu hiện lâm sàng khác nhau. Nếu tổn thương động mạch mắt sẽ gây nên giảm thị lực rồi dẫn đến mù loà. Nếu tổn thương ở động mạch thận sẽ dẫn đến suy thận, tăng huyết áp. Tổn thương động mạch vành sẽ dẫn đến cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim, đột tử; tổn thương mạch máu não sẽ dẫn đến tai biến mạch máu não và tổn thương ở động mạch chi sẽ dẫn đến biểu hiện viêm tắc động mạch chi (đi cà nhắc cách hồi, hoại tử đầu chi…).
- Bệnh mạch vành: Biểu hiện lâm sàng bệnh mạch vành ở các bệnh nhân ĐTĐ rất nghèo nàn. Rất nhiều bệnh nhân bị thiếu máu cơ tim, thậm chí nhồi máu cơ tim nặng mà không hề biết, chỉ khi đi khám kiểm tra sức khoẻ mới tình cờ phát hiện được. Chính vì lý do đó, những bệnh nhân bị bệnh ĐTĐ phải thường xuyên đi kiểm tra tim mạch định kỳ mới có thể phát hiện sớm các dấu hiệu của thiếu máu cục bộ cơ tim. Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng bằng cơn đau thắt ngực (cơn đau thắt sau xương ức, đau có cảm giác như bóp nghẹt tim, lan lên vai trái, cằm hoặc cánh tay trái); hoặc cảm giác tức nặng ngực trái, hồi hộp đánh trống ngực, khó thở… Trước tất cả các dấu hiệu bất thường, dù là rất nhỏ, người bệnh cũng cần được khám xét kỹ lưỡng về tim mạch để kịp thời phát hiện và xử trí sớm.
- Bệnh lý mạch máu não: Một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tai biến mạch máu não đó là tăng huyết áp (THA) – một bệnh lý cơ hội thường gặp ở người bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). Theo một báo cáo, tỷ lệ THA ở bệnh nhân ĐTĐ cao gấp 1,5 -3 lần so với nhóm không bị ĐTĐ. Đối với đái tháo đường typ1, THA xảy ra sau nhiều năm. Đối với bệnh nhân đái tháo đường typ2, THA là vấn đề thường gặp và sẽ nghiêm trọng hơn nếu người bệnh có biến chứng ở thận.
Chủ yếu là gặp tai biến mạch máu não (hay đột quỵ não) biểu hiện bằng nhồi máu não hoặc xuất huyết não. Biểu hiện lâm sàng bằng đột ngột bại hoặc liệt một nửa người, méo miệng, có thể kèm theo rối loạn ý thức ở các mức độ khác nhau. Các biểu hiện lâm sàng cũng có thể thoáng qua rồi mất, sau đó có thể tái phát hoặc diễn biến nặng, cũng có thể bị nặng ngay từ đầu để lại di chứng tàn phế hoặc có thể tử vong. Các biểu hiện sớm của bệnh lý mạch máu não có thể biểu hiện bằng các dấu hiệu như chóng mặt nhẹ, mất thăng bằng, rối loạn giấc ngủ, giảm sút trí nhớ. Lúc này, làm các xét nghiệm thăm dò mạch máu não như siêu âm Doppler xuyên sọ, lưu huyết não… có thể phát hiện thấy các dấu hiệu của thiểu năng tuần hoàn não. Khi có biểu hiện lâm sàng bằng các dấu hiệu thần kinh khu trú (bại hoặc liệt chi thể), bệnh nhân cần được chụp cắt lớp vi tính (chụp CT sọ não) để chẩn đoán xác định tổn thương là nhồi máu não hay xuất huyết não để có phương pháp điều trị phù hợp.
3. Kiểm soát đái tháo đường
♦ Tất cả các bệnh nhân ĐTĐ đều phải được theo dõi chặt chẽ đường huyết, những chỉ số đông máu, chỉ số cholesterol, triglycerid, huyết áp.
♦ Để không những chỉ số này không bị tăng vọt hay giảm quá mức người bệnh cần tuân thủ nguyên tắc điều trị của bác sĩ. Nhất thiết các bệnh nhân này cần ăn nhạt, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn ít mỡ, không dùng phủ tạng động vật, không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê… Nên có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi. Bên cạnh đó cần thường xuyên tập luyện thể thao như đi bộ, kiểm soát cân nặng. Kiểm soát tăng huyết áp chống phù não có thể bằng glycerol (không được sử dụng manital), uống aspegic 50mg mỗi ngày. Tuy nhiên, sử dụng các thuốc này phải do thầy thuốc chuyên khoa chỉ định. Các trường hợp có biểu hiện TBMMN cần phải đi cấp cứu kịp thời, hạn chế tử vong và tàn phế cho người bệnh.
Trích nguồn: Ths.BSCKII
Viên tiểu đường Nobel giúp hạ đường huyết, bảo vệ chức năng gan một cách tốt nhất, làm giảm các nguy cơ biến chứng do bệnh tiểu đường gây nên.