Phòng và điều trị cảm cúm mùa đông cho trẻ nhỏ như thế nào?

Phòng và điều trị cảm cúm mùa đông cho trẻ nhỏ như thế nào?

11:02 - 21/11/2017

Chia sẻ về phòng và điều trị cảm cúm mùa đông cho trẻ nhỏ từ tinh dầu. Bài chia sẻ kinh nghiệm từ Th.S Nghiêm Đức Trọng đại học Dược Hà Nội

Thời điểm hiện tại đã sang đông, những cơn gió đầu mùa đã tới, Thuoctot24h.com chia sẻ với các bạn về cách sử dụng tinh dầu để phòng và điều trị cảm cúm của thạc sĩ Nghiêm Đức Trọng đại học Dược Hà Nội

Như các bạn biết, trẻ nhỏ rất hay bị cảm lạnh, cảm cúm, chảy nước mũi, ... vào mùa đông, từ đó kéo theo nhiều vấn đề sức khỏe khác cho trẻ, đặc biệt là với thời tiết ở miền Bắc. Sử dụng tinh dầu giúp phòng và điều trị cảm cúm cho trẻ nhỏ rất tiện lợi ở Việt Nam vì nguồn tinh dầu đa dạng, phong phú.

Nguyên lý của việc sử dụng tinh dầu tắm chống cảm lạnh, cảm cúm cho trẻ em cũng xuất phát từ bài xông giải cảm của các cụ ngày xưa. Ông cha ta từ xưa đã dùng các loại cây có tinh dầu như hương nhu, lá bưởi, chanh, gừng, tía tô, kinh giới, ... để xông giải cảm lạnh và cảm cúm vô cùng hiệu quả, nhưng hiện nay ít được sử dụng, đặc biệt là ở các thành phố, chủ yếu là do tính không tiện dùng của việc xông hơi giải cảm.

Một bài xông hơi hiệu quả, thường có chủ vị là các loại cây có tinh dầu mang tác dụng tân ôn giải biểu (phát tán phong hàn), ngoài ra còn có các loại cây có tác dụng kháng khuẩn, trừ phong thông khiếu, ... Theo YHCT, khi khí lạnh xâm nhập vào cơ thể qua bì mao (da lông) sẽ gây ra cảm hàn, khí hàn theo đó dẫn vào phế (phổi) gây ra ho, viêm phế quản, cảm cúm, ... Khi xông hơi, dưới tác dụng của hơi nước nóng kết hợp với tinh dầu từ cây cỏ sẽ giúp đưa khí lạnh ra khỏi cơ thể bằng đường mồ hôi (thông qua lỗ chân lông), do đó sẽ giúp điều trị các chứng bệnh cảm cúm (sợ lạnh, sốt, ngạt mũi, chảy nước mũi,...), ho, viêm phế quản, ...

Phương pháp này rất hiệu quả để điều trị cảm cúm, cảm lạnh, tuy nhiên lại không phù hợp để sử dụng cho trẻ em. Vì cơ thể trẻ em khá yếu, khi xông theo cách truyền thống với hơi nước nóng sẽ ra nhiều mồ hôi, làm mất chất điện giải (hay nói theo cách của YHCT, khi xông như vậy sẽ làm thoát dương khí ra ngoài, khiến cơ thể suy kiệt). Ngoài ra, hơi nước quá nóng kèm theo các loại tinh dầu cay nóng bốc hơi còn dễ gây bỏng cho trẻ. Do vậy, cách xông hơi giải cảm này không phù hợp cho trẻ em, hoặc khi cơ thể quá yếu.

Phòng và điều trị cảm cúm ở trẻ nhỏ vào mùa đông

Trong trường hợp này, thay vì sử dụng phương pháp xông giải cảm hoặc sử dụng thuốc tây cho trẻ, mình sử dụng phương pháp tắm với hỗn hợp tinh dầu, vừa đảm bảo hiệu quả mà vẫn an toàn cho trẻ nhỏ.Tất nhiên, việc lựa chọn loại tinh dầu nào để tắm cho trẻ cũng cần cân nhắc rất cẩn thận. Các loại tinh dầu này vẫn kết hợp theo nguyên lý của YHCT, gồm các tinh dầu tân ôn giải biểu, các loại tinh dầu có tính kháng khuẩn tốt, ... để đảm bảo tác dụng. Nhưng quan trọng là các loại tinh dầu này phải an toàn cho trẻ em, tránh các loại tinh dầu kích ứng mạnh, nóng (như tinh dầu Quế, rất dễ gây kích ứng, bỏng rát ngay cả da của người lớn), các loại tinh dầu có mùi dễ chịu. Ngoài ra, thêm các loại tinh dầu có khả năng định hương, để tinh dầu lưu lại được trên da trẻ nhỏ lâu hơn, vừa giữ ấm cơ thể, vừa tăng tác dụng sau khi tắm. Với nguyên tắc đó, sau kinh nghiệm dùng mấy năm, mình kết hợp 6 loại tinh dầu để tắm cho trẻ là Pemou, Tràm, vỏ Bưởi, Hương nhu, Gừng và Bạc hà.

Tác dụng cụ thể của từng tinh dầu trong hỗn hợp như sau:

Pemou (Fokienia hodginsii (Dunn) A.Henry & H H.Thomas): Làm chất định hương, giúp cho mùi hương của Dầu tắm bền hơn, lưu giữ được lâu hơn. Tinh dầu Pemou có thành phần chính là Nerolidol, Fokienol có tác dụng kháng khuẩn và kháng nấm mạnh, giúp phòng và điều trị các bệnh nhiễm khuẩn, các bệnh ngoài da cho trẻ nhỏ.

Tràm (Melaleuca cajuputi Powell): Tinh dầu Tràm với thành phần chính là Cineol có tác dụng kháng nhiều chủng vi khuẩn, vi nấm gây bệnh, có tác dụng phòng và điều trị các bệnh nấm, ngứa ngoài da, sát khuẩn và làm thoáng đường hô hấp. Giúp điều trị các bệnh cảm mạo, phong hàn, ho đờm, hen suyễn, cảm cúm, ngạt mũi, giảm đau nhức.

Bưởi (Citrus maxima (Burm.) Merr.): Có tác dụng kháng khuẩn, kháng nấm. Dùng cho các bệnh cảm lạnh, ho có đờm. Ngoài ra còn có tác dụng kích thích mọc tóc, chống rụng tóc, trị nấm da đầu.

Hương nhu (Ocimum gratissimum L.): Làm chất định hương. Tinh dầu hương nhu với thành phần chính là Eugenol có tác dụng kháng khuẩn, giảm đau. Dùng điều trị các bệnh cảm cúm, nhức đầu, sổ mũi, chống nôn mửa.

Bạc hà (Mentha arvensis L.): Điều trị cảm sốt, ngạt mũi, ho có đờm, giảm căng thẳng và giúp trẻ dễ ngủ hơn, giảm đau, làm săn se da.

Gừng (Zingiber officinale Roscoe): Tinh dầu Gừng giúp giảm đau, điều trị cảm mạo, phong hàn, ngạt mũi, ho có đờm, chống nôn mửa, làm ấm cơ thể.

Như vậy, các bạn thấy hỗn hợp tinh dầu tắm này có tác dụng

Phòng và điều trị các bệnh cảm cúm, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp, chống nôn

Làm săn se da, giúp da khô thoáng, phòng và điều trị các bệnh ngoài da do vi khuẩn và vi nấm gây nên

Làm ấm cơ thể, giúp cơ thể trẻ sảng khoái, dễ ngủ

Tinh dầu còn lưu lại trên da trẻ giúp xua đuổi côn trùng, tránh bị muỗi đốt.

Hiện nay, có khá nhiều nơi bán các loại tinh dầu này. Các bạn có thể tự mua về nhà để pha chế cho phù hợp với bé nhà mình. Nhớ chọn các nơi uy tín, vì theo mình biết, có khá nhiều loại tinh dầu bán trên thị trường đã được pha trộn thêm các thành phần khác, hoặc tinh dầu không đúng chủng loại có thể gây nguy hiểm khi dùng cho trẻ nhỏ.

Nguồn : Th.S Nghiêm Đức Trọng

Hướng dẫn mua hàng, thanh toán và giao nhận
Chính sách bảo mật thông tin
Hợp tác phân phối sản phẩm
Nguyên nhân gây lượng nước tiểu khác thường ở người cao tuổi
Tiểu ra máu ở người cao tuổi